Lịch sử hình thành Binh_chủng_Nhảy_dù_Việt_Nam_Cộng_hòa

Một áp phích tổng động viên thời Quốc gia Việt Nam.

Những đơn vị tiền thân

Mặc dù nhanh chóng tái kiểm soát được phần lớn Đông Dương, người Pháp vẫn vấp phải cuộc kháng chiến quyết liệt của những người bản xứ theo chủ nghĩa dân tộc dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Trước viễn cảnh cuộc chiến lâu dài với Việt Minh, các chỉ huy của lực lượng viễn chinh Pháp đã quyết định thành lập những đơn vị chiến đấu người bản xứ nhằm tăng cường và bổ sung thêm binh lực. Ngày 1 tháng 1 năm 1948, đơn vị nhảy dù đầu tiên gồm phần lớn là người Việt là Đại đội 1 Nhảy dù Dông Dương [1ere Compagnie Indochinoise Parachutiste - CIP] được thành lập, Đại đội trưởng người Pháp là Đại úy Grillet-Paysan. Liền sau đó là các Đại đội Nhảy dù Đông Dương 2, 3, 5 và Đại đội Nhảy dù Lê Dương (Compagnie Indochinoise Parachutiste Légion Etrangère) được thành lập. Mỗi một Đại đội Nhảy dù được biệt phái làm Đại đội thứ 4 cho mỗi các Tiểu đoàn 1, 2, 3 và 5 Biệt kích Nhảy dù Thuộc địa Pháp (BCCP - Bataillon Colonial de Commandos Parachutistes) và Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP).

Phần lớn chỉ huy các đơn vị Nhảy dù này đều là người Pháp, kể cả ở cấp Trung đội. Chỉ duy nhất có Đại đội 3 Nhảy dù Đông Dương (3ème CIP), tiền thân là Đại đội Nhảy dù Bắc Kỳ (Compagnie Tonkinoise Parachutiste) thành lập tháng 5 năm 1948 do Đại úy Nguyễn Văn Vỹ chỉ huy (vì vậy đơn vị này còn được gọi là Compagnie Vỹ). Thậm chí, chỉ có mỗi Thiếu úy Đoàn Văn Quảng là sĩ quan Trung đội trưởng người Việt duy nhất trong Đại đội này.

Năm 1949, Đại đội Nhảy dù Liên đoàn Phòng vệ Nam Việt "Escadron Parachutiste Garde du Việt Nam Sud-EPGVNS" được thành lập tại Thủ Đức, là một đơn vị biệt lập xuất nguồn từ "Liên đoàn Phòng vệ Cộng hòa Nam Việt" (Garde Répubiique de Cochinchine). Đại úy Richard (người Pháp) làm chỉ huy Đại đội, và đến tháng 6 năm 1951 Trung úy Nguyễn Khánh từ Trung đoàn Ngự lâm quân chuyển về làm Đại đội Phó.

Sau khi quy chế về Quân đội Quốc gia Việt Nam được hình thành, ngày 1 tháng 8 năm 1951, Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Việt Nam được thành lập tại Chí Hòa, Sài Gòn, xây dựng từ Đại đội 1 Nhảy dù Đông Dương và Đại đội Nhảy dù Phòng vệ Nam Việt. Tiểu đoàn có 2 Trung tâm Huấn luyện tại Căn cứ Tân Sơn Nhất, Sài Gòn và tại Phi trường Bạch Mai, Hà Nội. Lần lượt tiếp theo sau đó các Tiểu đoàn Nhảy dù số 3, 4, 5, 7 và 6 được thành lập trong thời gian 1952-1954, trở thành những Tiểu đoàn Nhảy dù thuộc biên chế Quân đội Quốc gia Việt Nam, dù trên thực tế chiến đấu dưới sự điều động của quân đội Liên hiệp Pháp.

Đệ nhất Cộng hòa

Ngày 29/9/1954 Pháp bàn giao quân đội lại cho chính phủ Việt Nam. Trong các trận đánh với quân đối phương, tiểu đoàn 4,7 bị thiệt hại nặng và giải tán để lấy quân số bổ sung cho Bộ chỉ huy và đội yểm trợ. Liên đoàn Nhảy dù được thành lập từ 4 Tiểu đoàn 1, 3, 5 và 6. Chỉ huy trưởng Liên đoàn là Thiếu tá Đỗ Cao Trí. Liên đoàn có khoảng 4.000 người gồm Bộ chỉ huy, các Tiểu đoàn 1, 3, 5, 6 và Tiểu đoàn Trợ chiến (Gồm các Đại đội Quân y, Công Binh, Kỹ thuật và Súng cối, một Phân đội Truyền tin và một Trung đội Tiếp tế thả dù). Đến giữa năm 1955 toàn bộ Liên đoàn đã đóng quân tại Sài Gòn, Trung tâm Huấn luyện Nhảy Dù cũng được thành lập tại căn cứ Tân Sơn Nhất.

Ngày 1/9/1956 Trung tá Nguyễn Chánh Thi thay thế Đại tá Đỗ Cao Trí nhận chức vụ Chỉ huy trưởng. Năm 1959 Liên đoàn đổi tên thành Lữ đoàn Nhảy dù. Ngày 12/11/1960 Trung tá Cao Văn Viên được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Lữ đoàn, thay thế Đại tá Nguyễn Chánh Thi tham gia đảo chính bất thành.

Năm 1961 Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 Nhảy dù được thành lập. Năm 1962 Liên đoàn Nhảy dù tổ chức thành 2 Chiến đoàn Nhẩy Dù. Thiếu tá Dư Quốc Đống là Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 1 gồm các Tiểu đoàn 1, 3 và 8, đóng tại Căn cứ Hoàng Hoa Thám. Thiếu tá Đỗ Kế Giai là Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 2 gồm các Tiểu đoàn 5, 6 và 7, đóng tại Tam Hiệp, Biên Hòa.

Đệ nhị Cộng hòa

Năm 1964 Đại tá Cao Văn Viên được đặc cách thăng Thiếu tướng ngay tại mặt trận sau chiến thắng Hồng Ngự, bổ nhiệm về Bộ Tổng Tham mưu, Trung tá Dư Quốc Đống lên giữ chức vụ Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù.

Giữa năm 1965 Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù và Tiểu đoàn Pháo binh được thành lập. Đơn vị Quân y được nâng cấp thành Tiểu đoàn Quân y.

Ngày 1/12/1965 Lữ đoàn Nhảy Dù tổ chức nâng cấp thành Sư đoàn. (Bộ Tư lệnh Sư đoàn được đặt tại trại Hoàng Hoa Thám, Tân Bình, Gia Định). Các Chiến đoàn 1 và 2 đổi tên thành Lữ đoàn, do Trung tá Hồ Trung Hậu (Lữ đoàn 1) và Trung tá Đào Văn Hùng[1] chỉ huy (Lữ đoàn 2). Lữ đoàn 3 Nhẩy Dù được thành lập, Trung tá Nguyễn Khoa Nam là Lữ đoàn trưởng.

Lính dù Hoàng Ngọc Giao (Tiểu đoàn 5) chuẩn bị thực hiện một phi vụ nhảy toán

Tiểu đoàn 11 Nhảy dù được thành lập năm 1967. Tiểu đoàn Yểm trợ KBC 4759 (Tiền thân là Tiểu đoàn Trợ chiến) được thành lập ngày 1/11/1968, có 6 Đại đội là: Đại đội Chỉ huy và Công vụ, Đại đội kỹ thuật, Đại đội Tài chính, Đại đội Vận tải, Đại đội Tiếp liệu, Đại đội Bảo trì và 4 Phân đội Tiếp vận Hành quân, yểm trợ với 4 Lữ đoàn tác chiến. Đồn trú trong Căn cứ Hoàng Hoa Thám. Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là Thiếu tá Tống Hồ Hàm.[2] Tiểu đoàn trưởng cuối cùng là Thiếu tá Võ Văn Thu.

Năm 1968, Sư đoàn Nhảy dù đã hoàn chỉnh với 3 Lữ đoàn gồm 9 Tiểu đoàn tác chiến, 3 Đại đội Trinh sát và 3 Tiểu đoàn Pháo binh. Dù bị thiệt hại khá nặng qua các chiến dịch trong Tet Offensive, đơn vị vẫn kịp thời được bổ sung và giữ vững đội hình.

Đầu năm 1974, thành lập Lữ đoàn 4 với các Tiểu đoàn trực thuộc tân lập gồm: 3 Tiểu đoàn 12, 14 và 15. Đồng thời thành lập thêm 3 Tiểu đoàn biệt lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Sư đoàn: Tiểu đoàn 16, 17 và 18.

Nhảy dù là một đơn vị đặc biệt, Tổng trừ bị của QLVNCH

Sư đoàn Nhẩy dù là một đơn vị tinh nhuệ và thiện chiến của Quân lực Việt Nam Việt Nam Cộng hòa, đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu. Quân nhân trong Sư đoàn từ binh sĩ đến sĩ quan đều là thành phần tình nguyện sau khi mãn khóa quân trường, tuy nhiên vẫn phải qua một quá trình tuyển chọn rất kỹ lưỡng mới được gia nhập vào binh chủng. Đặc biệt đa phần lực lượng là con em Công giáo, trong số đó cũng có khá nhiều người miền bắc di cư năm 1954. Được huấn luyện nhẩy dù và ôn tập tác chiến rất chu đáo, trang bị vũ khí tối tân.

Những trận chiến và biến cố lớn

Từ khi thành lập đến khi hoàn thiện, Sư đoàn Nhảy dù liên tiếp đối đầu với những đơn vị mạnh của đối phương. Sư đoàn tham gia chiến tranh cục bộ, những trận chiến Mậu Thân, Việt Nam hóa chiến tranh với những thương vong cực lớn và cũng được chính đối phương đánh giá cao.

Năm 1971, Sư đoàn Nhảy dù đã tham gia Chiến dịch Lam Sơn 719. Dù có Không quân Mỹ yểm trợ, Sư đoàn vẫn mắc bẫy đối phương và bị Sư đoàn 320 (F320A) Quân đội Nhân dân VN tiêu diệt mất Lữ đoàn 3, bắt sống Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ.[3] Quân Nhảy dù bị đánh thiệt hại rất nặng trong chiến dịch này.

Năm 1972, sau Mùa hè đỏ lửa Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng giữ chức vụ Sư đoàn trưởng. Đầu năm 1974 Lữ đoàn 4 Nhảy dù được thành lập, Trung tá Lê Minh Ngọc[4] là Lữ đoàn trưởng. Ngày 20 tháng 4 năm 1975, Lữ đoàn phó là Trung tá Nguyễn Đình Ngọc[5] lên thay và chỉ huy Lữ đoàn 4 phòng thủ Sài Gòn.

Năm 1974, Lữ đoàn 1 và 2 Nhảy dù đã cùng với Sư đoàn 3 Bộ binh tiến hành tái chiếm lại Thượng Đức, một tiền đồn quan trọng của Việt Nam Cộng hòa đã bị Sư đoàn 304 Quân đội Nhân dân VN đánh chiếm trước đó.

  • Tái chiếm lần thứ nhất vào ngày 19-9-1974.
  • Tái chiếm lần thứ hai vào ngày 11-11-1974. Đến cuối năm, đơn vị Nhảy dù thất bại và rút ra ngoài gần hết quân, chỉ để lại 2 Tiểu đoàn cầm cự lẻ tẻ.

Năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, Sư đoàn 23 Bộ binh bị đánh tan ở Nông trại Phước An và sân bay Hòa Bình, phía đông Ban Mê Thuột. Lữ đoàn 3 Nhảy dù đã được điều từ Vùng 1 Chiến thuật vào giữ đèo Phụng Hoàng ngăn đối phương phát triển xuống đồng bằng, đơn vị này kháng cự được một thời gian ngắn và bị tan rã, chỉ có một số kịp di tản xuống phía nam.

Cùng với việc Lữ đoàn 3 Nhảy dù được gửi đến đèo Phụng Hoàng, Lữ đoàn 1 và 2 Nhảy dù được điều về miền đông phòng thủ trước cửa ngõ Sài Gòn. Các đơn vị này đã tham gia trận đánh lớn cuối cùng bên cạnh Sư đoàn 18 Bộ binh và Liên đoàn 81 Biệt cách dù tại Xuân Lộc, đánh trả Quân đoàn 4 gồm các Sư đoàn 341, 6 và 7 của Quân đội Nhân dân VN.

Phần còn lại của lực lượng Nhảy dù đã về Sài Gòn khi Xuân Lộc thất thủ. Họ đã chiến đấu với Sư đoàn 325 và không cản được lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến về Dinh Độc Lập. Khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, các lực lượng lính dù còn lại đã tan rã.